Việt Nam trong những tháng gần đây trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận bệnh nhân Cúm A tăng cao bất thường với 2.605 trường hợp mắc cúm A, ghi nhận chủ yếu ở nhóm đối tượng trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 44,1%), tiếp đó là nhóm tuổi 18-49 tuổi (chiếm 39,7%). Đáng lưu ý có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp, tổn thương phổi phải điều trị dài ngày, thậm chí bị bội nhiễm phải lọc máu, thở máy.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để tránh nguy cơ xâm nhập và lây lan của vi rút cúm mọi người dân cần:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm;
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân;
- Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp, khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế.
- Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người.
- Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng cách sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt, cũng như kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng của cơ thể..
- Làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường.
- Nên sử dụng thực phẩm gia cầm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm gia cầm cần được nấu chín kỹ, chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch không bị bệnh, không ăn các loại gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
- Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm, cần thực hiện các biện pháp an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, mua con giống. Thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Hiện nay chưa có vắc xin đặc hiệu phòng chống cúm A(H5N1), (H7N9), chính vì vậy, khi có triệu chứng ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời./.