Kỹ năng tự phục vụ là những thói quen sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống của trẻ đối với bản thân và những người xung quanh. Tập những kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ cho trẻ, từng bước hình thành nhân cách sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được đưa lên hàng đầu ở bậc học giáo dục mầm non. Nếu các con không có kỹ năng tự phục vụ bản thân, các con sẽ không thể chủ động và tự lập trong cuộc sống hiện đại.
Xác định được điều đó, Trường MN Mỹ Đức đã xây dựng chương trình giáo dục lồng ghép các bài học dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ như: Rửa tay, lau mặt, bê bàn - ghế, lau chùi sau khi đi vệ sinh, tự xúc cơm, cất ba lô, cởi khuy áo, gấp chiếu, chăn…. theo từng lứa tuổi và tích hợp rèn luyện vào các thời điểm khác nhau khi trẻ ở trường mầm non.
* Giờ đón - trả trẻ: Giáo viên rèn cho trẻ các kĩ năng tự phục vụ bản thân: Trẻ tự sắp xếp đồ vào ba lô đi học, tự cất ba lô, giày dép của mình. Hướng dẫn và cho trẻ tự cất mũ, khẩu trang gọn gàng vào ba lô và để vào ngăn tủ có kí hiệu của mình, tự tháo giày, dép và để vào nơi quy định.
* Hoạt động học: Rèn cho trẻ kĩ năng tự phục vụ trong việc học tập. Trẻ có thể giúp cô kê bàn, chuẩn bị đồ dùng học, trẻ tự lấy đồ dùng cho mình và cho bạn như đất nặn, bút màu, giấy màu; giúp cô chuẩn bị đồ dùng học toán, chữ cái…..Sau mỗi hoạt động học trẻ cũng tự thu gom đồ dùng, dụng cụ cất gọn gàng đúng nơi quy định.
* Hoạt động ngoài trời, hoạt động góc: Giáo viên tạo tình huống để trẻ tự giải quyết vấn đề, trẻ tự chơi, tự khám phá, tự tìm hiểu và giáo viên chỉ giúp đỡ trẻ khi thật cần thiết. Khi trẻ chơi xong trẻ tự cất dọn đồ dùng, đồ chơi gọn gàng đúng nơi quy định.
* Hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân: Đây là hoạt động nhằm hình thành cho trẻ về nề nếp, ý thức tự phục vụ bản thân. Giáo viên cho trẻ tự làm, tự trải nghiệm công việc. Giờ ăn trẻ tự dùng thìa xúc ăn, tự giác ăn hết suất, khi trẻ ăn xong tự để bát vào nơi quy định, biết tự cất ghế ngồi, đặc biệt mỗi cá nhân trẻ sau khi ăn xong biết tự lau miệng, xúc miệng, uống nước và lau sạch sẽ chỗ ngồi mình ngồi.
Trẻ đã có khả năng giúp cô kê giường ngủ, trải chiếu, tự lấy và cất gối đúng nơi quy định. Giúp cô gấp chăn, cất chiếu, kê giường sau khi ngủ dậy. Việc rèn trẻ đi vệ sinh đúng nơi quy định, đây là nội dung mà mỗi giáo viên cần rèn trẻ ngay từ khi còn rất nhỏ, hình thành cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng nơi, đúng chỗ, rèn trẻ biết tự xả nước sau khi đi vệ sinh và vệ sinh sạch sẽ bản thân như: kĩ năng rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn; hay kĩ năng đánh răng, rửa mặt, chải đầu, buộc tóc gọn gàng....
* Hoạt động chiều: Đây là hoạt động giáo viên cung cấp những kĩ năng mới cho trẻ, những kĩ năng mà trẻ chưa làm được như: rèn kĩ năng gấp quần áo; kĩ năng đóng mở cúc, khóa áo; kĩ năng buộc dây giày, …
Như vậy, để trẻ có kỹ năng tự phục thì bên cạnh việc thường xuyên, liên tục lồng ghép vào các hoạt động để giáo viên hướng dẫn, luyện tập cho trẻ thì phối kết hợp với phụ huynh là điều vô cùng quan trọng. BGH trường MN Mỹ Đức đã có những chỉ đạo sát sao tới giáo viên trong việc tuyên truyền, chia sẻ nội dung giáo dục của lớp tới phụ huynh qua bảng tuyên truyền, kênh zalo, trang web…..để phụ huynh kịp thời nắm bắt kế hoạch giáo dục của lớp, từ đó phối hợp để rèn luyện kỹ năng cho trẻ khi ở nhà nhằm mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ.